Những chiếc xe gắn máy (scooter) trên đường phố Sài Gòn xưa từng trải qua một thời kỳ vàng son rực rỡ. Muốn biết người Sài Gòn trước đây chạy xe máy gì, ta cứ lấy mốc thời gian từ năm 1954 – 1975 thời kỳ mà những chiếc scooter có mặt ở miền Nam phát triển dữ dội, trước hết là thời của những chiếc “Mobylette vàng” và Velo Solex. Cả hai loại này đều có hình dáng giống chiếc xe đạp đầm, nhưng lớn hơn và có gắn bộ máy chạy bằng xăng pha nhớt, tốc độ của Mobylette khi “còn ngon” có thể lên tới 60 km/giờ.
Điều thú vị là nó có thể đạp bằng chân để chạy mỗi khi xe hết xăng, chính điều đó làm nên một huyền thoại xe “chạy bằng cơm” đúng nghĩa. Có thể nói giai đoạn oanh liệt nhất của xe gắn máy Mobylette là thời Pháp thuộc, khi mà Quốc gia Việt Nam chưa thoát khỏi sự độc quyền thương mại với Pháp. Vào đầu những năm 1955 – 1956 khi nền Ðệ Nhất Cộng Hòa được thành lập, xe gắn máy Mobylette đã phải nhường chỗ cho các loại xe khác của Ðức như Goebel, Puch, Sach mặc dù Mobylette liên tục thay đổi kiểu dáng để bắt kịp xu thế.
Khi nền kinh tế miền Nam được tự do hóa, Bộ Kinh Tế và Tổng Nha Kế Hoạch quyết định phát triển lĩnh vực lắp ráp nhằm tiết kiệm ngoại tệ và tạo công ăn việc làm cho người dân. Do đó, miền Nam hình thành hai nhà ráp xe scooter lớn là VINACO (ráp xe lambretta) và công ty Vận tải Phi-Mã (ráp xe vespa); tỷ lệ bộ phận nội hóa kể cả công ráp chiếm 10% (đối với xe vespa) và 15% (đối với xe lambretta). Cả hai hãng trên đều nhập cảng máy móc của Ý và một số nhỏ của Pháp và Đức, tất cả khoảng 4 triệu đồng. Các loại xe scooter được ráp là vespa 50s, vespa 150 super, vespa 150 sprint, lambretta 50 junior, lambretta 150. Xe ba bánh có hai loại là vespa 175cc, lambro 500.
Dòng xe Vespa bấy giờ trở thành “mốt” khiến giới trẻ Sài Gòn mê như điếu đổ. Xe Vespa của Pháp giá rẻ hơn nhưng máy móc không tốt bằng của Ý. Ðể phân biệt Vespa Pháp hay Vespa Ý, “dân chơi” thường nhìn trước hết là màu sắc, sau đến là hàng chữ trên bửng xe trước. Vespa Ý thường chỉ có một màu xam xám và chữ Piaggio, còn Vespa Pháp thường có màu vàng sậm và có chữ A.C.M.A.
Cho đến cuối năm 1968 thì Vespa, Lambretta và các loại xe máy Pháp, Ðức đành phải “chào thua” các loại gắn máy của Nhật. Mà nhất là xe Honda. Những ngày đầu tiên, xe gắn máy Honda cũng chưa khiến giới tiêu thụ Sài Gòn chú ý lắm. Ai cũng chê “xe gì mà làm bằng mủ”. Nhưng chỉ sau ít tháng, xe gắn máy Honda đã trở thành một món hàng được ưa chuộng và săn đón kịch liệt trên thị trường, làm mưa làm gió “ăn đứt” hai hãng Pháp Đức. Mà chẳng qua là vì “hàng Nhật xài ngon thiệt”. Với cái phuộc nhún “không chê vào đâu được” và cái yên xe êm như nệm ấy thì các em gái ngồi đằng sau phải nói là “ôm dính khắng”.
Tình yêu dành cho dòng xe Honda say đắm đến nỗi, không biết tự khi nào, người ta dần gọi luôn dòng xe gắn máy nói chung là những con xe hôn-đa (Honda). Và cách gọi xe hôn-đa chết tên luôn từ thuở ấy. Đàn ông chơi Honda SS50, đàn bà thì mê Honda dame. Phụ nữ Sài Gòn xưa hầu như là những tiểu thư đài các, diện bên chiếc áo dài thướt tha và ngồi lên những chiếc scooter càng làm tôn vinh lên thần sắc quý phái của những cô ba, cô thắm ngày đó. Mà ngặt cái nỗi, tôi không dám chắc ai trong số các cô tiểu thư này biết cắt cổ gà hay lạng con cá, nên tôi cũng lấy làm lạ không biết cô gái Sài Gòn nào dám đi tải đạn. Tiên sư thằng nào chế ra cái bài ấy!
Một thời gian sau, những Suzuki, Già-mà-ham (Yamaha), Kawasaki mới xuất hiện, nhưng khó mà sánh lại sự bá chủ của Honda lúc bấy giờ. Sự thịnh hành ấy kéo theo những tay đua liều lĩnh, phóng xe với tốc độ bàn thờ khắp các ngõ phố. Cũng vì vậy mà danh từ “anh hùng xa lộ” ra đời để chỉ những trẻ trâu thời ấy (nếu còn sống chắc thành già trâu hết rồi).
Những chiếc xe máy như thế đã vi vu trên đường phố Sài Gòn xưa vào chiều thứ Bảy qua những hàng cây xanh rì, dưới các tán me bay. Các đôi tình nhân đèo nhau dưới những gốc cây đại thụ trên đường quanh Nhà thờ Đức Bà trước khi đến chơi Thảo Cầm Viên, dân tình gọi đó là những cung đường học trò, bay bổng và thơ mộng.
Ngồi một bên sau xe, các thiếu nữ tựa đầu vào vai chàng trai ở trước, rồi chàng nhấn ga làm gió bung tóc cô bay và nức lên mùi bồ kết thơm đến xao xuyến, đã đời hai đứa hẹn nhau bát phố hết Bô Na (Lê Lợi) rồi quành ra Catinat (Tự Do), đói bụng thì qua khu “Hồng Kông bên hông Chợ Lớn” thưởng thức đồ Tàu.
Hay thong dong hơn thì “ngựa bà” chạy xe ra xa lộ Sài Gòn Biên Hòa để qua cầu bến Tân Cảng, sau đó quẹo vào những con đường đất của khu Cát Lái mà trông trăng hưởng gió đồng quê, phủ phê đến tối nếu thấy buồn thì lại dắt nhau qua rạp chớp bóng gần Tòa Đô Chánh xem xi-nê cho đã thích.
Đấy! Đã từng có một Sài Gòn đẹp như thế, qua đi để chúng ta có một thời để nhớ. Bên cạnh xe hơi rất được ưu chuộng thời đó thì xe gắn máy là phương tiện di chuyển chiếm đa số tại miền Nam trước 1975 và cho đến nay, điều ấy vẫn không thay đổi. Những chiếc gắn máy một thời vấn vương “từng lá me bay nhớ kỷ niệm hai đứa mình”. Nếu ai hỏi tôi vì sao tôi yêu Sài Gòn, thì đó, cái “chất” đó làm tôi lụy tình lâu nay không dứt được.