Bên kia biên giới, các chiến sĩ Việt Nam không chỉ để lại một phần tuổi trẻ, mà cả một phần thân thể của mình và máu xương của đồng đội.
Cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam 40 năm trước. Video: Đức Huy.
Lục những tờ lịch đầu tiên của năm mới, Đại tá Ngô Đức Tấn (85 tuổi) nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, Quân khu 5 bồi hồi nhớ về cột mốc 40 năm trước. Ngày 7/1/1979, thủ đô Phnom Penh (Campuchia) được giải phóng sau vất vả trường kỳ, phải đánh đổi bằng xương máu của ông và đồng đội.
Ông kể tháng 3/1976, Quân khu 5 cử Trung đoàn 94 hành quân lên huyện Chư Prong, Gia Lai trấn giữ biên giới. Khmer Đỏ ở Campuchia lúc này không chỉ gây hấn với Việt Nam mà còn tàn bạo với đồng bào trong nước.
Từ bên kia, một đoàn 22 người dân Campuchia cùng con voi vượt đường rừng đến Việt Nam tránh Pol Pot. Trên lưng voi có một phụ nữ sắp sinh.
Bộ đội Việt Nam đã cưu mang, cấp gạo, lương thực cho họ. Nhờ con voi, nhóm người này đã giúp người Việt việc đồng áng, vận chuyển để nhận lúa gạo, lương thực. Họ trở thành nguồn tin cho quân đội Việt Nam và đồng thời làm phiên dịch để các chiến sĩ và chỉ huy hiểu được địa hình, cầu cống, sông ngòi.
Đại tá Ngô Đức Tấn kể lại những ngày chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Ảnh: Phạm Linh.
Nửa cuối 1978, quân đội Pol Pot tấn công quyết liệt. Họ dùng trâu, xe bò đi trước để phá mìn, dọn đường cho lính đánh Việt Nam. "Chúng tôi đánh trả kịch liệt. Những trận đánh rất căng thẳng, họ dùng pháo binh dồn dập tấn công, bò vô trong chốt của mình. Các vùng đất sát biên giới bị giành qua giật lại nhiều lần", ông Tấn nói. Nhiều chiến sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ phòng ngự.
Ngày 25/8/1978, ba sư đoàn 2, 307, 309 của Quân khu 5 và Quân khu 7 được lệnh tấn công tỉnh Ratanakiri qua đường 19. Trên đường tiến quân, quân Pol Pot cài mìn dày đặc và phục trong rừng chặn đánh. Để mở đường, đơn vị của ông Tấn dùng máy bay rải đạn cối hai bên đường để đẩy lui quân Pol Pot.
"Tiếng đạn cối nổ như tiếng bắp rang, sau khi máy bay dọn đường thì xe tăng, bộ binh tiến qua. Chúng tôi bị phục kích nhưng sự chống cự không đáng kể", ông Tấn thuật lại. Quá trình tiến công diễn ra nhiều ngày, từ làng ngày qua làng khác, phải mất từ nửa ngày đến hai ngày vượt qua địa hình rừng núi.
Đến trung tâm Natanariki, nơi dân cư vốn đông đúc giờ hoang vắng, nhiều người đã bị Pol Pot sát hại, một số trốn trong rừng, một số tháo chạy theo Pol Pot về phía Tây. "Vì đã dọn đường nên thương vong anh em không nhiều", cựu Trung đoàn trưởng nói.
Đến đây, sư đoàn 309 và ba trung đoàn được lệnh về Việt Nam và bổ sung lực lượng cho các mũi tiến công khác. Quân khu 5 tiếp tục thành lập Sư đoàn 315, cùng hai sư đoàn cũ thành lập mặt trận 579.
Ba sư đoàn với hàng nghìn binh lính tiếp tục vượt sông Srepok đến tỉnh Stung Treng. Qua con sông này, một nhịp cầu do Pháp xây dựng vẫn chưa hoàn thành, các chiến sĩ mặt trận 579 qua sông bằng phà qua bờ bên kia.
"Hai trung đoàn 29 và 95 đã qua sông, nhưng bị chặn lại ở giao lộ đường 19 và đường 13 từ Phom Penh qua Lào", ông Tấn kể. Khi đang qua sông cùng trung đoàn 94, ông Tấn nhận lệnh tiếp binh để phá tan điểm chốt của Pol Pot trên giao lộ đường 13 và 19.
Ông Tấn quả quyết đây là lần ông bị quân Pol Pot chống trả quyết liệt nhất trên đường tiến công. Để bẻ gãy điểm chốt, ông cử hai tiểu đoàn tiến sâu vào rừng, đến gần giao lộ tạo thế gọng kiềm bao vây khiến quân đội Pol Pot bất ngờ.
Tại đây, quân đội Pol Pot dùng súng AK bắn trả, nhưng cùng lúc đó lực lượng đang tiến công trên đường 19 cũng đã tiến đến bao vây. Quân Khmer Đỏ bị tiêu diệt, bộ đội Việt Nam thu giữ được một xe quân sự, súng và lương thực tiến về thị xã Strung Treng.
Chiến sĩ Quân khu 5 trên chiến trường Campuchia. Ảnh: Tư liệu.
Người chỉ huy Trung đoàn 94 nhớ lại, lúc này ông cho kéo pháo đến bờ sông Mekong và để một tiểu đoàn phòng ngự chờ thời cơ. Một tiểu đoàn khác canh giữ sân bay Strung Treng. Một tiểu đoàn được ông chỉ huy hỗ trợ cho Quân khu 7 chiếm tỉnh Kratie.
Sau khi tỉnh Kratie được bình định, trung đoàn 94 tập trung lực lượng tấn công tỉnh Preah Vihear bên kia sông Mekong.
"Nước sông chảy xiết nên phải hướng mũi tàu về phía Tây, lực nước sẽ đẩy xuống để đến nơi cần tiếp bờ bên kia", Trung đoàn trưởng Tấn tính toán. Sáng hôm sau, trung đoàn dùng đạn pháo bắn, dùng tàu Pol Pot bỏ lại, tàu cá của dân đổ bộ qua Preah Vihear. Họ tiếp tục tiến về trung tâm tỉnh, rồi tiến đến cuối Preah Vihear, giáp ranh biên giới Lào để truy quét Pol Pot.
"Pol Pot không có đây, các anh đánh phía Tây", ông Tấn thuật lại lời người dân Lào nói. Ngày 7/1, tin Campuchia được giải phóng lan truyền, 19 sư đoàn của Pol Pot chạy qua Thái Lan hoặc đang lẩn trốn trong rừng được lan đi. Nhưng trung đoàn 94 không trở về Phnom Pênh mà tiếp tục lại truy quét tàn quân.
Sau này, ông Tấn được bổ nhiệm là Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 307, tiếp tục làm nhiệm vụ ở Preah Vihear đến năm 1989.
"Tôi may mắn hơn nhiều chiến sĩ khác đã hy sinh ở tuổi đôi mươi. Tôi đã cố gắng hết sức, nhưng đi đến đâu thì làm nghĩa trang đến đó", người chỉ huy năm nào ngậm ngùi. Ông kể, Trung đoàn phải tổ chức một đội mộc để làm hòm cho người nằm xuống.
"Khi có anh em chết thì đưa về nghĩa trang. Một thời gian sau, các đoàn vận tải sẽ đưa xác về chôn ở Đức Cơ, Gia Lai. Nhờ vậy mà không có ai phải nằm lại trên đất khách", người chỉ huy nói. Ông vẫn ám ảnh với mùi tử thi khi xác chiến sĩ trương lên, phải tẩm xăng đốt xác trước khi mang về.
Cũng như Đại tá Tấn, Thượng tướng Bùi Văn Huấn (Út Lê, 74 tuổi), nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam mỗi lần nhắc về trận chiến Tây Nam 40 năm trước vẫn không khỏi những bùi ngùi trước sự mất mát của đồng đội.
Thượng tướng Bùi Văn Huấn. Ảnh: Phước Tuấn.
Nằm trong thế trận phòng thủ liên hoàn của vùng Tây Nam Bộ, An Giang là mục tiêu quan trọng của Pol Pot khi tiến hành xâm lược Việt Nam. Năm 1977, Quân khu 9 bàn giao Trung đoàn bộ binh 24 cho tỉnh An Giang, đồng thời thành lập thêm Trung đoàn bộ binh 162 và sau đó là Trung đoàn 163, phục vụ cho cuộc chiến Tây Nam.
Những năm diễn ra chiến tranh Tây Nam, ông Út Lê làm Chính ủy Trung đoàn 162 với bảy đại đội trực thuộc, tổng số 2.000 quân. Đơn vị này được giao nhiệm vụ phụ trách hơn 50 km biên giới ở ba huyện Châu Đốc, An Phú, Tân Châu. Trung đoàn phải đánh trước bộ đội của quân khu 9 hơn một tuần nhằm "nhử" địch.
Thời kỳ ác liệt của cuộc chiến, theo tướng Huấn, là khoảng giữa năm 1977 khi quân Pol Pot chủ động tấn công. Một hôm, đơn vị đang đào kênh thủy lợi cánh đồng ở Tri Tôn thì bị địch đánh qua dữ dội.
Đêm đó, ông cùng một chỉ huy khác của trung đoàn lên Huyện đội Tịnh Biên để hỏi tình hình. Sau khi bàn bạc, ông nêu ý kiến: "Tình hình này mình đánh rất khó, tôi nghĩ nên cử một trung đội bắn qua để kìm chân địch sau đó đưa đại bộ phận qua An Phú đánh bên kia". Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh sau khi nghe báo cáo thì đồng ý phương án trên.
Sáng hôm sau, mé bên kia sông quân Pol Pot rất đông, liên tục tấn công với công sự chiến hào dày đặc. Trung đoàn 162 dùng hỏa lực khống chế phía bên kia, đồng thời cho bộ đội vượt sông.
"Đạn dược được gói cho vào bọc nylon để khi chiến sĩ lặn xuống nước sẽ tránh không bị đối phương phát hiện. Tới bờ bên kia, quân của trung đoàn đánh chiếm từng chiến hào, diệt được nhiều địch song thiệt hại cũng đáng kể", ông nhớ lại.
Trung đoàn có 12 trung đội trưởng thì 11 người bị thương và hy sinh. Vài ngày sau, quân chủ lực của quân khu mới lên, tấn công, giành lại vị thế.
Cuối năm 1977, Tiểu đoàn 7 phối hợp với Trung đoàn 162 của tỉnh An Giang cùng hai đại đội địa phương Phú Châu phá vỡ thế phòng ngự của quân Pol Pot, tiếp tục phát triển lên Mương Vú (Campuchia).
Quân Pol Pot đánh bật lực lượng công an vũ trang, chiếm toàn bộ bờ bắc sông Bình Di rồi thọc sâu vào xã An Khánh, đánh mạnh các chốt công an, biên phòng. Hai đại đội của Trung đoàn 162 sau đó đã đánh chặn quân Pol Pot khiến họ rút lui, 11 quân Pol Pot thiệt mạng.
Tướng Út Lê cho biết trong giai đoạn tổng phản công chiến lược từ cuối năm 1978, lực lượng vũ trang tỉnh An Giang được giao nhiệm vụ nổ súng mở màn cho chiến dịch để nghi binh, hút địch, tạo đà cho Quân khu 9 tiến công ở hướng chủ yếu. Trung đoàn 162 nhận nhiệm vụ đánh ở hai tỉnh Kandal và Takeo.
Trong những ngày tháng đánh đuổi tàn quân Pol Pot bên Campuchia, tướng Út Lê chứng kiến nhiều trận đánh ác liệt mà nhiều chiến sĩ của ông hy sinh nơi chiến trường. Trong bóng đêm, hầu như hôm nào hai bên cũng bắn nhau năm lần bảy lượt, bữa nào cũng có thương vong.
Tháng 3/1979, đại đội 1 có trận đánh mở rộng lên quận Chúp, tỉnh Kampot thì bị quân Pol Pot phản kích, gần hết đơn vị thiệt mạng. Hơn 20 ngày sau, Trung đoàn tổ chức đánh lại chiếm địa bàn, đồng thời thu xác anh em để mai táng.
"Nhiều xác lúc đó đã thối rữa. Anh em gói ghém lại rồi vác xốc lên đầu, chẳng ai sợ gì mùi hôi thối. Tình đồng chí, tình đồng đội với nhau lớn lắm", ông kể, giọng xúc động.
Không chỉ hy sinh trên chiến trường, nhiều người chết vì bị gài mìn, bệnh tật, sốt rét. Trung đoàn hơn 2.000 quân thì hy sinh 270 người, bị thương hơn 1.200 lượt.
"Tôi cũng có lần suýt chết. Có lần đang đưa đại đội qua sông thì bên kia khẩu đại liên của quân Pol Pot bắn qua. Ông lái xe nói với tôi: Hình như anh bị trúng đạn đó. Tôi quay lại mới thấy lưng mình bị phồng rộp vì đạn sượt qua", ông kể.
Trong cuộc tổng phản công chiến lược bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định đưa phần lớn các sư đoàn bộ binh chủ lực áp sát biên giới Việt Nam (19 trong tổng số 24 sư đoàn).
Năm mục tiêu tấn công chiến lược gồm: khối chủ lực đối diện với ta ở dọc biên giới; cơ quan đầu não của chính quyền Campuchia Dân chủ ở Phnom Penh; cảng Kongpong Som; các sân bay lớn như Kampong Chonang, Siem Reap, Battambang và các tuyến đường bộ chính dọc biên giới Campuchia - Thái Lan.
Các quân khu 5, 7, 9 và các quân đoàn 2,3,4 phối hợp với bộ đội địa phương các tỉnh dọc biên giới tiến công các mục tiêu trên. Kết thúc chiến dịch đợt 1, ngày cuối cùng của năm 1978, toàn bộ lãnh thổ Việt Nam bị quân Pol Pot lấn chiếm được thu hồi.
Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang Campuchia mở đợt tấn công tổng lực, giải phóng Phnom Penh và toàn bộ đất nước này vào ngày 17/1/1979.