Câu chuyện "Gã Giang Hồ" khét tiếng thành tướng tài đất Sài Gòn xưa - Hồi Ức Xưa

Ba Dương - vị tướng được truy phong đầu tiên miền Tây Nam bộ, khai sinh bộ đội Bình Xuyên và đưa họ theo cách mạng vốn là giang hồ khét tiếng.

Ba Dương tên thật là Dương Văn Dương, sinh năm 1900 tại Bến Tre, trong gia đình lưu dân miền Trung. Thuở nhỏ, ông học võ thuật từ cha và bắt đầu bôn tẩu giang hồ khi 14 tuổi. Ông là người trượng nghĩa hiệp, thích sống tự do bằng nhiều nghề.

Theo cuốn Người Bình Xuyên, thời thiếu niên, trong lần chứng kiến 5 thanh niên vây đánh ông cụ người Hoa, Ba Dương xông vào can thiệp nhưng bị đánh tơi tả. Ông lão bấy giờ mới thể hiện là cao thủ ra tay đánh đám côn đồ chạy tán loạn. Mến nghĩa chàng trai trẻ ông nhận Ba Dương làm con nuôi, truyền võ nghệ.

Thụ võ 2 năm thì ông lão qua đời, Ba Dương đi chăn vịt thuê, chạy đồng khắp khu bến Bình Đông (quận 8, 6 ngày nay) kiếm sống.

Di ảnh của Dương Văn Dương. 

Ở Sài Gòn lúc này có hội kín Vạn Xe khống chế tất cả sinh hoạt ngầm như cờ bạc, mại dâm, bảo kê, tống tiền... Chúng 

thu cả tiền của phu bốc vác nghèo khổ khiến Ba Dương nổi nóng. Ông và vài người cùng chí hướng hợp lại đánh chúng hết lần này đến lần khác.

Năm 20 tuổi, Ba Dương một mình đến thẳng hội sở Vạn Xe thách đấu theo kiểu một chọi một. Tay cao thủ từ Quảng Đông (Trung Quốc) sang tiếp chiêu đã bị ông đánh hạ. Tiếng tăm Ba Dương sau đó nổi như cồn, được nhiều đại ca trong giới giang hồ nể phục.

Sách Bộ đội Bình Xuyên thuật rằng, năm 1939 Ba Dương về ngụ tại cầu Rạch Đĩa (làng Tân Quy, Nhà Bè) và mở lớp dạy võ. Lúc này, giang hồ khắp nơi đè cổ các chủ ghe thương thuyền đòi tiền bảo kê, Ba Dương lại một mình xuống khu vực ghe thuyền neo đậu ở kênh Cây Khô giải quyết.

Hàng loạt vụ chạm trán với những giang hồ bến bãi đã xảy ra. Mỗi khi thu phục nhóm nào, Ba Dương không truy đuổi đến cùng mà mở cho họ con đường để chọn lựa. Cách cư xử như thủ lĩnh Lương Sơn Bạc đã dần liên kết thống nhất giang hồ khắp nơi, tôn ông như thủ lĩnh của giang hồ Bình Xuyên.

Để có vũ khí chống Pháp, Ba Dương làm công nhân hãng đóng tàu Nichinan của Nhật. Ông thành lập Thanh niên Cảm tử đoàn (hải quân Bình Xuyên) cùng với hàng loạt lãnh tụ như Bảy Viễn, Mười Trí, Hai Vĩnh, Bảy Môn, Năm Hà... tạo thành một lực lượng thống nhất, hùng mạnh.

Quá trình vận động lương thực nuôi quân, Ba Dương vấp phải Sáu Cường – thần cước nức danh Nam Kỳ đang bảo kê nhiều bến bãi. Sáu Cường hẹn Ba Dương và bất ngờ khi thấy thủ lĩnh Bình Xuyên chỉ là người nho nhã, mặc bộ bà ba, tay cầm quạt ra dáng thư sinh. Thần cước nói rằng "nếu đỡ được cú đá của hắn thì chuyện nuôi quân là chuyện nhỏ".

Quả nhiên, chỉ sau vài cú thần cước kinh hoàng, Sáu Cường bất giác vòng tay lạy Ba Dương rồi đồng ý góp một khoản phí nuôi quân. Khi Ba Dương đã đi xa, Sáu Cường gật gù nói với thủ hạ: "Quả xứng đáng là hảo hán".

Lý do sau này được làm rõ vì khi cúi người tránh cú đá thần sầu của Sáu Cường, thủ lĩnh Bình Xuyên dùng quạt chạm nhẹ vào hạ bộ đối thủ với dụng ý ngầm cảnh cáo: "Muốn lấy mạng Sáu Cường dễ như trở bàn tay".

Quân Bình Xuyên của Bảy Viễn - người dưới trướng Dương Văn Dương nhưng sau này theo Bảo Đại. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1945, cả nước sôi sục chuẩn bị cho Cách mạng tháng 8, đội quân Bình Xuyên cũng tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền. Ba Dương tổ chức lại thuộc hạ cùng các lực lượng khác thành bộ đội Bình Xuyên và đưa vào mặt trận kháng chiến chống liên quân Anh - Pháp đang lăm le trở lại cướp nước.

Tài chỉ huy và đức độ của ông đã khiến các lực lượng kháng chiến tự phát khác tuân phục. Tháng 11/1945, ông được cử làm chỉ huy trưởng lực lượng Nhà Bè, Tân Thuận, Bình Đông... ở mặt trận số 4, bao vây mặt Nam Sài Gòn đang do liên quân Anh - Pháp chiếm giữ.

Tháng 12/1945, Ba Dương được cử làm Khu bộ phó khu 7 và phân thành các chi đội. Toàn bộ được gọi là liên quân Bình Xuyên, đặt dưới sự chỉ huy của Ba Dương. Từ một hảo hán giang hồ khét tiếng giới lục lâm, Ba Dương trở thành chỉ huy quân sự tài năng, uy tín.

Khi liên quân Anh - Pháp đẩy mạnh tấn công ra mặt trận An Hóa - Giao Hoà (Bến Tre) hòng phá vỡ thế bao vây của Việt Minh. Nhận được tin, Ba Dương liều đưa quân đội Bình Xuyên của mình vượt sông Soài Rạp viện binh. Khi trú quân ở ngôi nhà nhỏ tại đây, bộ chỉ huy liên quân Bình Xuyên bị chiếc máy bay Spitre của Pháp phát hiện.

Ba Dương trúng một loạt đạn và qua đời ngày 22/2/1946. Để ghi nhớ công ơn của ông, chính phủ đã truy phong Dương Văn Dương lên thiếu tướng. Ông cũng là vị tướng được truy phong đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Tại TP HCM, tên ông được đặt cho con đường ở quận Tân Phú cùng một ngôi trường ở huyện Nhà Bè.